Hội thảo tập huấn phương pháp dạy học Tiếng Anh “Lớp học thông minh sử dụng AI”

Ngày 19/3/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức buổi Hội thảo tập huấn giáo viên Hà Nội và Yên Bái sử dụng phần mềm thư viện học liệu điện tử và Hệ thống LMS nhằm hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cấp tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Hội thảo tập huấn phương pháp dạy học Tiếng Anh “Lớp học thông minh sử dụng AI”

Vấn đề thiếu giáo viên luôn là chủ đề nóng được các cấp các ngành và ngành giáo dục luôn quan tâm lo lắng. Rất khó để thực hiện thành công CT GDPT 2018 khi thiếu nhiều giáo viên. Đối với môn Tiếng Anh, cả nước hiện thiếu khoảng 4000 giáo viên. Kết quả học tập của học sinh có sự khác biệt giữa trung bình cả nước và các tỉnh đặc biệt khó khăn. 

Trước thực trạng như vậy, các địa phương đã phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch giáo dục đã đề ra. Trong bối cảnh ấy, giải pháp dạy học từ xa sử dụng Trí tuệ nhân tạo của Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội nhằm hỗ trợ cho học sinh và giáo viên tỉnh Yên Bái có thể coi là giải pháp mang tính đột phá, là mô hình có khả năng nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào Tạo Hà Nội, lãnh đạo Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, UBND thành phố Yên Bái

Buổi Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào Tạo Hà Nội, lãnh đạo Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, UBND thành phố Yên Bái, các phòng chuyên môn và hơn 400 giáo viên môn Tiếng Anh tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội. Buổi hội thảo đã tập trung hướng dẫn chi tiết nội dung và cách thức sử dụng phần mềm và thư viện học liệu điện tử, cũng như thảo luận và chia sẻ những khó khăn của giáo viên trong việc triển khai hỗ trợ dạy học trực tuyến cho học sinh tỉnh Yên Bái.

Sở GDĐT đã điều động 285 giáo viên tiếng Anh toàn thành phố để thực hiện giảng dạy cho 113 lớp của 17 trường tại 4 huyện Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái. Tổng số tiết dạy sẽ thực hiện trong học kỳ 2, năm học 2023-2024 là 4.461 tiết. Mỗi cô giáo Hà Nội thực hiện hỗ trợ trung bình 17 tiết, đã bắt đầu dạy học từ tuần trước nghỉ Tết âm lịch.

Quang cảnh lớp học trực tuyến của học sinh tỉnh Yên Bái với giáo viên Hà Nội

Khác giai đoạn dịch bệnh Covid 19, trong lần dạy-học từ xa lần này, các em học sinh tỉnh Yên Bái vẫn đến lớp, và được giáo viên ở đầu cầu Hà Nội trực tiếp dạy học thông qua màn hình hiển thị và thiết bị âm thanh. Sự thành công của lớp học lần này không thể nhắc đến sự hỗ trợ của công nghệ, mà cụ thể ở đây là mô hình lớp học ngoại ngữ thông minh đã được SGDĐT Hà Nội dày công nghiên cứu ứng dụng trong thời gian vừa qua. Mô hình lớp học ngoại ngữ thông minh có 3 giải pháp trọng tâm, đó là:

Thư viện học liệu điện tử: học liệu điện tử tạo nên chất liệu và kịch bản dạy học chất lượng cho giáo viên, bao gồm:

+ Bài giảng được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho từng tiết học.

+ Hệ thống media: phim hoạt hình lồng tiếng bản địa, hình ảnh, audio sinh động tích hợp trong bài giảng nhằm hỗ trợ giáo viên tổ chức hoạt động dạy học.

+ Các hoạt động học tập được xây dựng dưới dạng game tương tác, đi kèm hướng dẫn cách thức tổ chức dành cho giáo viên.

Báo cáo viên Nguyễn Thị Thanh Huyền ứng dụng thư viện học liệu điện tử Smartschool trong công tác giảng dạy

Công cụ AI hỗ trợ chấm điểm phát âm và kỹ năng nói: Công nghệ AI được tích hợp trên hệ thống bài giảng điện tử, giúp giáo viên có thể chấm điểm phát âm và kỹ năng nói trên thời gian thực. Kỹ năng nói vốn là kỹ năng khó triển khai nhất trong một tiết học Tiếng Anh truyền thống ở trên lớp, vì không phải lúc nào cũng có giáo viên bản xứ để kiểm tra phát âm cho học sinh. Hơn nữa, thời gian một tiết học cũng thường không đủ để giáo viên có thể rèn luyện kỹ năng phát âm và kỹ năng nói cho cả lớp. Công nghệ AI đã tạo ra trải nghiệm dạy-học thuận tiện, liền mạch cho cả 4 kỹ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết cho cả cô và trò.

Công nghệ AI được tích hợp trên hệ thống bài giảng điện tử
Phản hồi trên thời gian thực và trả về kết quả ở 5 cấp độ: phát âm từng âm; Ngữ điệu; Độ trôi chảy; Từ Vựng; Ngữ Pháp

Hệ thống LMS và thư viện sách điện tử: Thầy cô giáo có thể lựa chọn các tựa sách hay và giao tới cho học sinh. Theo chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, thì hiện nay sách giáo khoa dần trở thành tài liệu tham khảo. Việc các thầy cô trở thành những người “tiền trạm”, trực tiếp chọn lựa các đầu sách mở rộng cho học sinh nhằm làm phong phú, đa dạng hơn các tài nguyên học tập cho học sinh thực sự là một điều cần thiết. Với việc áp dụng hệ thống LMS và sách điện tử, các thầy cô trở thành các sứ giả của văn hóa đọc, góp phần xây dựng thói quen đọc sách và học tập suốt đời cho các em học sinh. Bên cạnh đó, hệ thống LMS cũng cho phép các thầy cô thực hiện công tác kiểm tra đánh giá định kỳ và thường xuyên một cách hết sức thuận tiện.

SGDĐT Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước trong việc triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT trong đổi mới phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá. Việc ứng dụng thành công các công nghệ mới hiện đại như AI và sách điện tử đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy – học tại các cơ sở giáo dục tại thủ đô. Với việc ứng dụng thành công mô hình Lớp học ngoại ngữ thông minh ngay chính tại các địa phương đang thiếu hụt giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh như ở Yên Bái, ngành giáo dục Hà Nội đã một lần nữa thể hiện vị thế dẫn đầu trong cả nước, đồng thời đem đến một giải pháp mang tính đột phá để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay tại các tỉnh thành. Hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều các tỉnh thành khác được tiếp cận với mô hình Lớp học ngoại ngữ thông minh của SGDĐT Hà Nội, qua đó, tạo những chuyển biến tích cực để giáo dục cả nước thực hiện thành công CT GDPT 2018.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *